PHÓ THÁC
Chấp nhận sự quan phòng của Chúa.
Chúng ta càng chấp nhận và tin tưởng vào quan phòng của Chúa, Chúa càng tỏ ra sự tốt lành và khôn ngoan của Người.
Trong tất cả những cách mà chúng ta được kêu gọi để đáp trả ân sủng, có thể đây là điều khó nhất. Nó trái với bản chất con người khi mọi thứ mâu thuẫn với sự mong đợi, khi bất công và đau khổ, khi Chúa dường như đã bỏ rơi chúng ta và chẳng có gì có ý nghĩa. Nó đòi hỏi một mức độ trưởng thành trong tâm linh và thân mật với Thiên Chúa để có thể phó thác cho sự quan phòng của Người. Điều này bao gồm đức tin lâu dài và lòng trông cậy, tin rằng mọi sự đều thuộc quyền kiểm soát của Chúa. Không có gì xảy ra mà không có sự cho phép của Người.
Chúa Giêsu nói rằng: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Mt.10:29-31)
Và nếu Chúa cho phép điều gì xảy ra thì Người có ý định mang lại một điều tốt đẹp hơn. Bằng chứng rõ ràng là Thiên Chúa cho phép để người Con duy nhất của mình trở thành người, chịu đau khổ, chịu chết để chúng ta có được sự sống đời đời. Tất cả mọi người, mọi điều giờ đây tham gia vào Mầu nhiệm Vượt qua - đó là cuộc khổ nạn, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhờ đó chúng ta đạt được sự sống vĩnh cửu.
Kết quả là - đau khổ không còn là điều vô nghĩa hay xấu xa nữa, mà đã có giá trị và ý nghĩa. Khi đau khổ, chúng ta có cơ hội kết hợp nỗi đau với Chúa Kitô và tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Người.
Thánh Phaolô nói: "Chúng ta biết rằng mọi việc đều tốt cho những người yêu mến Thiên Chúa, những người được kêu gọi theo ý của Người.” (Rm 8:28)
Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Người ban cho chúng ta tự do. Điều này có nghĩa là mọi người có thể chọn điều ác và tội lỗi. Nhưng trong sự quan phòng tốt lành của Người, Chúa có thể mang lại điều tốt đẹp hơn ngay cả trong những lựa chọn xấu xa và tội lỗi. "Nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rôma 5:20) Khi đang trải qua một thảm kịch hay đau khổ, thật khó để nhìn thấy hoặc hiểu được làm sao một điều tốt đẹp có thể thoát ra từ đó. Nhưng theo thời gian, khi nhìn lại, chúng ta có thể thấy được điều tốt là kết quả từ đau khổ.
Một giá trị của đau khổ là để chuộc tội. Nó có thể bù đắp cho tội lỗi chúng ta. Mặc dù tội lỗi đã được tha qua Bí tích Hòa giải, nhưng vẫn có sự đền trả do tội lỗi gây ra. Thiên Chúa thì thương xót nhưng Người cũng là công bằng. Công lý đòi buộc phải bồi thường thỏa đáng thiệt hại cho người bị xúc phạm. Vậy hình phạt tạm thời cho ta cơ hội để đền bù những tổn hại gây ra cho trật tự được tạo thành của Thiên Chúa. Cho nên đau khổ là một cách để đền bù hậu quả tội lỗi gây nên. Nhưng phải cố gắng chấp nhận đau khổ, chịu đựng cách kiên nhẫn, kết hợp nó với đau khổ của Đức Kitô và dâng lên cho sự đền bù tội lỗi. Bằng cách này, chúng ta giảm bớt thời gian trong luyện tội, là nơi được thanh luyện, bù đắp hậu quả đối với Thiên Chúa...
Đồng thời đau khổ thanh luyện, giúp chúng ta phát triển trong nhân đức. Thường trong trường hợp khi đang gặp đau khổ, chúng ta hay quay về với Chúa. Đau khổ đưa ta đến gần Chúa, chạy đến với Người lúc hoạn nạn và dâng lời cầu nguyện. Khi đó chúng ta mới biết Chúa và lớn lên trong sự khiêm nhường, đức tin, đức cậy và kiên nhẫn. Đau khổ làm chúng ta biết thương xót hơn. Chúng ta học cách đồng cảm với đau khổ của người khác. Đau khổ cũng làm cho ta biết ơn hơn những gì mình đang có. Trở nên nhạy cảm, nhận thức hơn và có thể thay đổi một lối sống thánh thiện hơn. Đau khổ là cách đồng dạng chúng ta với hình ảnh Chúa Kitô.
Đau khổ cũng cho phép tham gia vào công việc cứu chuộc của Thiên Chúa. Khi kết hợp nỗi đau của mình với Chúa Giêsu và tuân phục Người, chúng ta cũng tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Người. Đau khổ có thể được đưa ra cùng với lời cầu nguyện cho việc hoán cải, cứu độ người khác. Thánh Phaolô nói: "Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Côlôsê 1:24) Những ai gần gũi với Chúa Kitô thường được trao đặc ân chia sẻ trong công cuộc cứu chuộc của Người.
Biết rằng Thiên Chúa ban ân sủng cần thiết để chịu đựng bất cứ đau khổ nào mà Người cho phép xảy đến. Ba lần Thánh Phaolô yêu cầu Chúa loại bỏ cái gai trong xác thịt của ông, nhưng Chúa đã quả quyết: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2Cor 12:9) Khi sẵn lòng chịu đựng đau khổ vì tình yêu đối với Thiên Chúa và cho vinh quang của Người, chúng ta được ban ân sủng cần thiết để quyền năng của Chúa được tỏ lộ. Các Thánh đều hiểu được giá trị của sự đau khổ. Ví dụ: Thánh Therese của Lisieux viết:
"Rất lâu sau đó, khi tôi hiểu sự hoàn hảo là gì, tôi nhận ra rằng để trở thành một vị thánh phải chịu đựng đau khổ rất nhiều, luôn tìm kiếm cái gì tốt nhất, và quên mình đi. Tôi hiểu có rất nhiều loại thánh thiện và mỗi linh hồn đều được tự do để đáp lại lời mời gọi của Chúa, làm ít hay nhiều cho Người - nói cách khác, để lựa chọn giữa những hy sinh mà Người đòi hỏi. Sau đó, cũng như khi còn nhỏ, tôi đã khóc: "Chúa ơi, con chọn tất cả, con không muốn là một vị thánh nửa vời. Con không sợ phải đau khổ cho Ngài. Con chỉ sợ một điều duy nhất - đó là con giữ ý riêng mình thôi, vậy hãy lấy đi, con chọn tất cả những gì Chúa muốn.”
Như chúng ta biết, Đức Trinh Nữ Maria đã chịu đựng rất nhiều. Tuy nhiên, Mẹ đã phó mình hoàn toàn cho quan phòng của Chúa, chấp nhận tất cả những đau đớn, khó khăn, cùng với vai trò là mẹ của Đấng Cứu Chuộc. Mẹ đã tin tưởng vào Chúa và kế hoạch cứu độ của Người. Mẹ chấp nhận rằng thanh gươm sẽ xuyên qua trái tim Mẹ và Chúa Giêsu phải chịu đau khổ, chịu chết. Mẹ Maria không bao giờ đặt câu hỏi về hoàn cảnh và sự tiết lộ kế hoạch của Chúa trong cuộc đời mình, nhưng đã đầu phục tất cả mọi thứ cho Chúa, biết rằng mọi việc sẽ giải quyết theo sự quan phòng của Người.
Mẹ Têrêsa chia sẻ sự phó thác cho quan phòng của Chúa trong lời trích dẫn của bà:
"Hoàn toàn đầu phục cho Chúa phải đi từ những chi tiết nhỏ đến những chi tiết lớn, chẳng có gì ngoài một từ duy nhất: ‘Vâng! Con chấp nhận những gì Chúa cho, và con cho những gì Chúa muốn.’ Và đây chính là cách đơn giản để chúng ta nên thánh. Không nên tạo ra khó khăn trong tâm trí mình. Để thánh thiện không có nghĩa là làm những điều phi thường, hiểu những điều lớn lao, nhưng đơn giản là chấp nhận, bởi vì tôi đã dâng mình cho Chúa, tôi thuộc về Người - tôi phó thác tất cả!”
Chúng ta hãy bắt chước Đức Mẹ và các Thánh trong sự đầu phục, bỏ mình hoàn toàn cho quan phòng của Chúa. Biết rằng không có gì xảy ra nếu không có sự chấp thuận của Người, và Người chỉ cho phép điều ác để mang lại một điều tốt đẹp hơn. Càng giao phó cho sự quan phòng của Chúa, chúng ta sẽ càng nhận được nhiều ân sủng hơn, càng tăng thêm trong sự thánh thiện.