KẾT HỢP VỚI CHÚA
Khi chúng ta yêu một ai đó, chúng ta thường muốn được ở với người đó trong mọi lúc.
Chúng ta càng hiệp nhất với Chúa, chúng ta càng trở nên giống Người. Kết hợp với Chúa là trở nên một với Người trong tâm trí, trái tim và ý chí trong mọi lúc. Không bao giờ muốn bị tách rời khỏi Thiên Chúa hay làm bất cứ điều gì trái với ý muốn của Người. Sự kết hợp này liên quan đến các khía cạnh khác nhau.
Khía cạnh đầu tiên là hồi tâm, yên lặng và hiện diện với Chúa - là Người luôn hiện diện với chúng ta. Căng thẳng, lo lắng và lo ra chia trí là những trở ngại cho sự hiệp thông với Chúa. Chúng ta sống trong một xã hội văn minh đầy dẫy tiếng ồn, thông tin và phiền nhiễu. Những điều này làm cho khó có thể thật sự hiện diện với Thiên Chúa. Đồng thời, văn hóa hiện nay cho là cần phải bận rộn và phải "có năng suất.” Vì vậy chúng ta luôn thấy như mình phải làm điều gì đó, hay phải hoàn thành một số công việc, nếu không chúng ta cảm thấy như không sinh lợi ích gì hoặc lãng phí thời gian. Điều này nhấn mạnh đến "làm việc" hơn là "hiện hữu,” làm chúng ta khó có thể thảnh thơi, hồi tâm và thành một với Chúa được.
Chúng ta biết trong đoạn Kinh Thánh của bà Maria và bà Martha, bà Maria cứ ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe Người giảng dạy, trong khi bà Martha thì tất bật cố gắng làm xong mọi công việc và thậm chí còn than phiền với Chúa Giêsu để nói Maria giúp mình. Nhưng Chúa Giêsu trả lời ngược lại:
“Martha! Martha! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10:38-42)
Chúa Giêsu nói với Martha và chúng ta rằng: ngồi dưới chân Chúa và chú ý đến Người là điều duy nhất cần thiết - mọi thứ khác thì không quan trọng. Nói cách khác, sự hiệp thông của chúng ta và thành một với Chúa thì cần thiết hơn là làm xong công việc.
Thật vậy, Chúa Giêsu nói: "Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được." (Gn 15:5) Nếu không liên kết với Chúa thì bất cứ điều gì chúng ta làm đều có rất ít ý nghĩa, giá trị và khả năng đóng góp vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Ngược lại, nếu thành một với Chúa Giêsu, thì Người sẽ sống, làm việc trong chúng ta và qua chúng ta sẽ sinh nhiều lợi ích cho Nước Thiên Chúa.
Một khía cạnh khác ngoài việc hồi tâm và giữ thinh lặng, đó là ước muốn và ý định được trở thành một với Chúa trong mọi lúc! Thánh Catherine thành Siena đã hỏi Chúa Cha là làm sao bà có thể đạt tới sự trong sạch toàn vẹn được? Chúa Cha nói với Thánh: “Con hãy luôn luôn kết hợp với Cha bằng tâm tình yêu mến...”, Chúa Cha tiếp tục giải thích: "vì Cha là nguồn mạch của tất cả mọi sự thánh thiện và tinh khiết!" Chúng ta có thể trở nên thánh thiện toàn vẹn chỉ trong phạm vi khi chúng ta hiệp nhất với Người. Mục đích của việc kết hợp với Thiên Chúa phải được thực hiện bằng "tâm tình yêu mến", đó là tình yêu của một đứa trẻ dành cho Cha mình, không bao giờ muốn rời xa Cha hay làm buồn lòng Cha.
Nói cách khác, ước muốn được kết hợp với Chúa gọi là cầu nguyện! Trong cầu nguyện, chúng ta nâng tâm trí, tâm hồn lên Thiên Chúa. Dành thời gian cho Chúa, ở với Chúa, nói chuyện với Chúa và lắng nghe Chúa nói với chúng ta. Đây cũng là cách để tìm hiểu một người và phát triển mối quan hệ của chúng ta với họ, ở bên họ và trò chuyện với họ.
Sau đó, sự kết hợp này bao gồm việc tìm kiếm và làm theo ý Chúa - đó là làm bất cứ điều gì làm đẹp lòng Người. Khi hiệp nhất với Chúa, chúng ta cũng muốn ý của mình tuân theo ý muốn của Chúa, tìm cách làm vui lòng Người trong tất cả những gì mình làm. Chính sự hiệp nhất này mà Chúa mong muốn. Càng tham gia với ước muốn và làm việc này, thì Chúa sẽ càng đổ thêm ân sủng để giúp đỡ sự cố gắng của chúng ta.
Không chỉ Mẹ Maria, nhưng Chúa Giêsu cũng là gương mẫu khi làm theo ý Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi để bắt chước Đức Kitô, Đấng đã đến không để làm theo ý riêng mình, nhưng theo ý muốn của Chúa Cha - Đấng đã sai Người. Chúa Kitô nói: "Ai làm theo ý muốn của Chúa Cha là anh chị em và mẹ tôi." Và, "Phúc cho những ai nghe lời Chúa và giữ lấy." Khi tuân phục theo ý muốn của Chúa, chúng ta sẽ được chúc lành với nhiều ân sủng, như vậy sẽ được kết hợp với Chúa nhiều hơn.
Mẹ Maria giống như Chúa Giêsu, là biểu hiện cho sự kết hợp hoàn hảo với Thiên Chúa. Trong lời Truyền tin cho thấy Mẹ Maria phải đang hồi tâm nên mới nghe và trò chuyện với Thiên sứ Gabriel được. Kinh thánh nói Mẹ Maria thường xuyên suy niệm về những điều của Thiên Chúa trong cuộc đời Mẹ: “Mẹ đã suy đi nghĩ lại về tất cả những điều này trong lòng Mẹ.” Thật chắc chắn khi nói rằng Mẹ Maria là một người chiêm niệm, nghĩa là Mẹ thinh lặng, suy niệm và luôn hiệp thông với Chúa. Mẹ Maria có những đức tính thích nghi cần thiết để hiệp nhất với Thiên Chúa. Mẹ cũng khao khát được trở nên một với Chúa và làm theo ý muốn của Người. Thật vậy, có thể nói Mẹ Maria luôn thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.
Là con cái Mẹ Maria, chúng ta cần phải bắt chước Mẹ của chúng ta là trau giồi để được hiệp nhất với Chúa. Một khía cạnh thiết yếu cho sự hiệp nhất là sống trong giây phút hiện tại. Thường thì chúng ta hay hồi tưởng lại quá khứ hoặc suy đoán về tương lai, rất ít khi sống trong giây phút hiện tại. Ở mỗi thời điểm, Chúa đang ban ân sủng chỉ cho khoảnh khắc đó. Nếu không hiện diện và tiếp nhận, thì sẽ bỏ lỡ ân sủng của giây phút hiện tại, không bao giờ có thể lấy lại được. Thường thì Chúa hiện diện và ban cho chúng ta những món quà của Người, nhưng chúng ta thì không hiện diện để nhận lãnh chúng.
Chánh niệm hiện đang rất phổ biến trong thế giới ngày nay, nó có gốc rễ trong Phật giáo. Mục đích là để tu luyện, nhận thức được giây phút hiện tại. Các bài tập chánh niệm liên quan đến việc tập trung sự chú ý của một người vào môi trường xung quanh, thông qua các giác quan, trên hơi thở, và những cảm giác trong cơ thể. Những bài tập này giúp người ta nhận thức được đầy đủ về giây phút hiện tại và có thể xác định được những suy nghĩ, cảm xúc đang đến, để chúng vượt qua mà không bị cuốn hút vào đó.
Nhưng chánh niệm nói chung không đi xa hơn là để tập trung vào Thiên Chúa. Đối với người Công giáo và tất cả Kitô hữu, chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần là hơi thở, cuộc sống của chúng ta. Ba Ngôi Thiên Chúa đang ngự trong chúng ta. Vì vậy, có thể thực hành thiền định hoặc chánh niệm với sự tập trung vào việc hiện diện với Chúa, hiệp nhất với Người và tuân theo ý muốn của Người.
Càng nỗ lực hơn để trở nên một với Chúa, Chúa sẽ càng đổ đầy ân sủng để chúng ta kết hiệp với Người ngày càng nhiều hơn.